Chính quyền Philippines thay thế Cloma Tomás Cloma

Từ năm 1968, chính quyền Philippines bắt đầu cho quân đội chiếm một số đảo Trường Sa. Năm 1971, nước này chính thức tuyên bố chủ quyền đối với các đảo Kalayaan[Ghi chú 2] với lý do là tuyên bố chủ quyền của các nước khác đã mất hiệu lực do đã bị từ bỏ.[14] Tháng 4 năm 1972, Philippines sáp nhập các đảo Kalayaan vào tỉnh Palawan đồng thời quản lý chúng như một poblácion (tương đương một barangay) với Tomás Cloma là chủ tịch hội đồng khu vực.[15]

Ngày 23 tháng 9 năm 1972, Ferdinand Marcos ban bố tình trạng thiết quân luật tại Philippines.[16] Nắm được việc nhiều người gọi Cloma là "đô đốc", Marcos tống giam Cloma vào Trại Crame vì tội "mạo danh sĩ quan quân đội".[2][17][Ghi chú 3] Nhờ vậy, chính quyền Marcos đã đạt được mục đích "cưỡng ép" Cloma lập ra "Chứng thư Chuyển nhượng và Từ bỏ Mọi quyền" ký ngày 4 tháng 12 năm 1974. Theo văn bản này, Tomás Cloma và Đồng sự chấp nhận chuyển giao "mọi quyền và lợi ích mà họ giành được" đối với Freedomland dựa trên cơ sở "khám phá và chiếm giữ" và "thăm dò, phát triển, khai thác và sử dụng"[17] với giá chuyển nhượng mang tính tượng trưng là 1 peso.[18]

Ngày 11 tháng 6 năm 1978, Marcos ký sắc lệnh tổng thống số 1596 định rõ phạm vi của Nhóm đảo Kalayaan.[19] Morgan & Valencia (1984) cung cấp một bản đồ so sánh Nhóm đảo Kalayaan do chính phủ Philippines định nghĩa và ranh giới tuyên bố quyền sở hữu của Cloma, theo đó cách tiếp cận của Philippines gần như tương tự với cách tiếp cận của Cloma, trừ một số khác biệt chủ yếu là ở phần phía tây. Có thể kể ra một ví dụ về sự khác biệt này là: trong khi tuyên bố quyền sở hữu của Cloma bao hàm đảo Trường Sa và không bao hàm đảo An Bang thì Philippines lại loại trừ hẳn đảo Trường Sa và gộp thêm đảo An Bang vào Nhóm đảo Kalayaan.[20]